Admin

Cẩm nang du lịch - 17/04/2018 - 2586 Lượt xem

Nỗi khổ của người làm du lịch “XIN VISA VÀO VIET NAM”

5/5 - (1 bình chọn)

Nổi khổ của người làm du lịch Những kịch bản muôn hình vạn trạng trên khắp thế giới. Cảm giác “bị hạ nhục” không chỉ đến theo mô-típ kinh điển giữa công dân của các quốc gia nghèo xin visa đến với nước giàu có. Khi hệ thống quan liêu được giao quyền lực tuyệt đối, nó tạo ra những âm thanh khó chịu.

Diana Gurtskaya là một người giàu có và được trọng vọng xuyên quốc gia. Nữ ca sỹ gốc Gruzia nhận huân chương danh dự của tổng thống Nga, huân chương danh dự của tổng thống Gruzia và cả huân chương tại Ukraina. Những màn trình diễn của cô được phát trực tiếp trên khắp châu lục.

Nhưng ở đại sứ quán Anh tại Moskva, thứ duy nhất Diana cảm thấy là “bị làm nhục”.

Diana lấy visa Anh để đi du lịch cùng chồng. Người ta yêu cầu cô phải bỏ kính đen ra để chụp ảnh. Diana từ chối: cô chưa từng phải làm điều đó trước kia. Nữ ca sỹ tài danh là một người mù. “Đó là lần đầu tiên mù trở thành một chướng ngại khi tôi di chuyển giữa các quốc gia” – cô nói. Quá trình làm visa bị tắc lại. Cô hủy chuyến nghỉ mát, cho dù đại sứ quán Anh sau đó đưa ra lời xin lỗi.

Nga và Anh có thể còn chút khoảng cách ngoại giao. Nhưng ngay cả những công dân EU khi di chuyển nội khối cũng có thể mang cảm giác này. “Tôi cảm thấy nhục nhã khi làm người Hy Lạp” – Kyriakos Mitsotakis, lãnh đạo đảng bảo thủ Hy Lạp nói, về việc ông cùng các đồng hương bị tách riêng ra một khu vực tại sân bay để kiểm tra khi đến Đức.

Chính trị gia, ngôi sao giải trí, các học giả hàng đầu, ai cũng có thể bị hệ thống thị thực hành hạ. Nếu bạn nghĩ rằng cảm giác này chỉ xuất hiện ở đại sứ quán và cửa khẩu các nước giàu, bạn đã nhầm. Ấn Độ là một trong những nước bị chỉ trích rất nhiều về hệ thống quan liêu khi cấp visa. “Kiểu quan liêu (của đại sứ quán Ấn Độ) tôi thậm chí còn không gặp khi xin visa Mỹ” – Muntassir Mamoon, giáo sư đại học Dhaka, Bangladesh nói ở một diễn đàn song phương của hai nước Nam Á.

Rắc rối lớn nhất của visa là việc nó phụ thuộc vào sự quan liêu của hệ thống hành chính. Và với điều này, thì chưa chắc các nước nghèo đã “tử tế” hơn các nước giàu. Trên TripAdvisor, một nhóm người Pakistan mò mẫm hỏi cách xin visa vào Việt Nam để du lịch. Họ sẽ cần rất nhiều may mắn: một người Việt Nam cũng sẽ không thể tìm thấy thủ tục cấp visa trên website của Đại sứ quán Việt Nam tại Pakistan. Họ truyền tai nhau: “Hình như người Pakistan muốn vào Việt Nam phải có thư mời”. Một quy trình nghe đáng sợ như xin visa… vào Mỹ. Nhưng người viết không thể xác minh điều này, sau khi đã nghiên cứu website đại sứ quán cả bản tiếng Việt và tiếng Anh.

Việc điền một mẫu đơn cấp visa đã phiền hà. Với cách vận hành hệ thống hành chính tại một số nước, bạn thậm chí không tìm thấy mẫu đơn ở đâu để mà điền.

Khi nhắc đến “kỳ tích” đạt được trong năm 2017 là 13 triệu khách quốc tế, ông Nguyễn Công Hoan, phó Tổng giám đốc Hanoi Redtours đã đề cập ngay đến hiệu quả của chính sách miễn visa cho khu vực Tây Âu và visa điện tử cho 46 nước.

Theo ông Hoan, miễn visa không đơn thuần là ta miễn 25 USD tiền phí, mà là thể hiện sự cởi mở, tạo cho du khách cảm giác được chào đón khi đến Việt Nam. Ông nhấn mạnh, đó là cảm giác chào đón ngay từ khi họ lên kế hoạch chứ không chỉ khi đã đặt chân đến Việt Nam.

Người Việt Nam, với tấm hộ chiếu xếp thứ 75/199 quốc gia về quyền nhập cảnh miễn thị thực (chỉ được vào 48 nước không cần visa), hiểu hơn ai hết rằng visa không chỉ là một thủ tục. Nó còn là một thái độ chào đón hay kỳ thị của quốc gia sở tại với khách viếng thăm.

Ngay cả những nhân vật đã nổi tiếng với các chuyến “phượt” xuyên quốc gia, nhiều kinh nghiệm xin visa nhất, thì xin visa vào tấm hộ chiếu màu xanh Việt Nam đôi lúc cũng là một sự đau khổ. Như Trần Đặng Đăng Khoa, chàng trai nổi tiếng với chuyến đi vòng quanh thế giới bằng chiếc xe Wave 110 trong năm 2017. Trong suốt hành trình, anh thường xuyên phải đối mặt với những kế hoạch phá sản vì visa. Khoa không thể đi thẳng từ Iran sang Thổ Nhĩ Kỳ theo kế hoạch, dù cầm trong tay visa Schengen: nó chỉ áp dụng cho khách đến thẳng Thổ Nhĩ Kỳ bằng đường hàng không, chứ không phải xe máy. Sự chờ đợi và những lần “bị hành” giấy tờ lên xuống khiến anh không ít lần nảy sinh ý định từ bỏ. Khoa đã phải thốt lên “tôi ngán visa lắm rồi” khi đang ở Peru, lên hành trình khám phá châu Mỹ, và quyết định bỏ qua Argentina và Trung Mỹ vì xin visa gặp khó.

Ngay cả với Đặng Xuân Sơn, ông chủ công ty du lịch Footprint, người đã đi 20 nước trên thế giới, visa cũng gắn với một cảm giác tiêu cực. Sau lần bị đánh trượt visa Mỹ năm 2003, đến giờ anh vẫn quyết không bước chân vào xứ sở cờ hoa. Anh bảo, sau lần đó “tôi ghét nó lắm, ai bảo nó làm khó visa tôi. Chỉ một lần thôi nhưng cứ làm khó là ghét”.

Mặc dù người Việt thấu hiểu nỗi đau khổ visa, nhưng hệ thống visa của chính Việt Nam đôi lúc vẫn khiến cho khách khứa của chúng ta cảm thấy mình không được trọng thị.

“Thật lạ lùng”
“Thật phi lý”
“Không nước nào làm”

Hội đồng Tư vấn Du lịch nói về chính sách visa Việt Nam

Anh Sơn kể vài năm trước khi bắt đầu áp dụng chính sách miễn visa cho khu vực Tây Âu, công ty anh từng đón một khách Anh vào Việt Nam theo diện miễn visa 15 ngày. Người này lên kế hoạch khám phá từ bắc đến nam và rất hào hứng với những trải nghiệm mới. Tuy nhiên, anh này quên mất là hành trình vạch ra dài tới 18 ngày trong khi thời gian ở lại bị giới hạn. Do đó, đang đi khách Anh buộc phải hủy hành trình để về cho kịp hạn visa.

Đây không phải là trường hợp hiếm mà các công ty lữ hành gặp phải. Thậm chí có khách còn loại Việt Nam ra khỏi danh sách điểm đến ở Đông Nam Á vì vướng mắc visa, trong khi Thái Lan, Singapore, Indonesia, Philippines… mở cửa thông thoáng mà lại có vẻ đẹp tương đồng.

Làm tour chuyên đón khách Đức, Pháp, anh Nguyễn Hoàng, Giám đốc Hanspan nhận ra một sự thay đổi thói quen du lịch của nhóm khách này gần đây. Thay vì kết hợp đi Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan trong vòng 17-21 ngày rồi quay lại nước ta du lịch biển và trở về, họ lựa chọn nghỉ biển tại Campuchia hoặc Thái Lan. Nếu quay lại Việt Nam, họ phải xin visa như bình thường vì theo quy định hiện hành, khách Tây Âu quay lại Việt Nam chỉ được miễn nếu cách ngày xuất cảnh trước đó ít nhất 30 ngày. Quy định này khiến ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban Thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) đã phải thốt lên “thật lạ lùng”, “thật phi lý”, “không nước nào làm”.

Chính sách miễn visa cho 5 nước Tây Âu đã được phát đi, áp dụng từ 1/7/2015 như một thông điệp về sự chào đón du khách. Kết quả là lượng khách đến từ Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Italy tăng đến 30% chỉ sau một năm (so 6 tháng năm 2016 với cùng kỳ trước đó). Gần 3 năm áp dụng chính sách này, lượng khách Tây được các chuyên gia du lịch đánh giá là tăng trưởng ổn định, trung bình trên 10%.

“Việc tỷ lệ tăng là hai con số với những thị trường xa như Tây Âu là điều hiếm có và chưa từng có ở Việt Nam, điều đó cho thấy chính sách miễn visa đã tác động trực tiếp như thế nào?”, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Du lịch nhận định.

Nhưng chính sách vẫn còn nhiều hạn chế. Không chỉ du lịch dài ngày, khách Tây Âu còn có thói quen lên kế hoạch du lịch trước 6 tháng đến một năm. Thế chính sách miễn visa này không phải là vĩnh viễn, mà thỉnh thoảng chính phủ lại phải ra “nghị quyết gia hạn” từng năm.

Cứ đến gần ngày 30/6 hàng năm, ngày mà “nghị quyết gia hạn” cho việc miễn visa cho khách Tây Âu hết liệu lực, là các công ty lữ hành trong nước đứng ngồi không yên. Năm nay là lần thứ ba họ phải đối mặt với tình trạng này. Bởi mùa cao điểm của tour đón khách nước ngoài vào Việt Nam (inbound) bắt đầu từ tháng 9, mà thường trước đó 6 tháng, tức khoảng tháng 3, các công ty đã phải báo giá cho đối tác. Ông Lưu Đức Kế, nguyên Giám đốc Hanoitourist cho biết dù rất tin tưởng việc gia hạn sẽ thành công nhưng vì “mọi chuyện chưa ngã ngũ”, công ty vẫn chưa dám thông báo với đối tác.

Như vậy, các công ty lữ hành như của ông Kế sẽ phải chờ chính sách để ra giá, hoặc chấp nhận rủi ro bù lỗ. Ngược lại, khách nước ngoài cũng sẽ tạm dừng kế hoạch du lịch Việt Nam ít nhất đến hết ngày 30/6 để nghe ngóng. Vô hình trung Việt Nam mất đi lượng khách nhất định và còn gặp khó khi quảng bá, xúc tiến. Theo như đánh giá của ông Hoàng Nhân Chính, chính sách visa hiện nay mới phát huy hiệu quả được khoảng 50%. Nếu cởi mở hơn nữa, chắc chắn số khách Tây Âu đến không chỉ dừng lại ở tăng trưởng trên 10%.

Câu hỏi đặt ra là hiệu quả của chính sách miễn visa đã thấy rõ nhưng tại sao vẫn triển khai theo hình thức “nhỏ giọt”?

Nhìn vào top 6 nước dẫn đầu lượng khách quốc tế ở Đông Nam Á, Việt Nam đứng thứ 5 và là nước hạn chế miễn visa nhất, 24 nước. Đó là còn chưa kể 5 nước trong top 6 này đều miễn visa từ 30 đến 90 ngày, trong khi Việt Nam chủ yếu là 15 ngày.

Ở một mặt khác, miễn visa không chỉ là bài toán tăng lượng khách mà còn nhằm nâng thu từ khách du lịch. Nghị quyết TW 8 đặt ra mục tiêu đến năm 2020, trung bình thu mỗi đầu khách là 1.080 USD. Con số này sẽ chỉ thành hiện thực nếu tập trung thu hút các khách ở dài ngày, chi trả cao. Theo kết quả điều tra chi tiêu của khách du lịch năm 2013 khách đến từ châu Đại Dương, châu Mỹ và châu Âu có mức chi tiêu trung bình cao nhất, trên 1.300 USD mỗi lượt khách. Trong khi khách đến từ châu Á là 842 USD. Thời gian lưu trú trung bình của nhóm khách Tây Âu cũng trên 15 ngày.

Ông Hoàng Nhân Chính cho rằng, với cơ cấu khách quốc tế hiện nay, du lịch Việt Nam đang phụ thuộc quá nhiều vào khách Trung Quốc, chiếm đến 30%.

TAB đang khuyến nghị chính phủ thêm 6 nước vào danh sách miễn visa gồm New Zealand, Canada, Hà Lan, Thuỵ Sĩ và Bỉ. Đây là nhóm nước có lượng khách đến Việt Nam lớn, lưu trú trên 15 ngày, chi tiêu bình quân trên 1.200 USD và được hơn 170 nước trên thế giới miễn visa.

Theo nghiên cứu của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) và Hội đồng Du lịch & Lữ hành thế giới (WTTC), miễn visa tại ASEAN sẽ góp phần tăng số khách du lịch từ 3 đến 5,1%. Thực tế ở Việt Nam đã chứng minh, số khách tăng thêm trên 10%.

Mỗi năm có hơn 370.000 khách Australia đến Việt Nam. Nếu miễn visa (phí 25 USD một khách), nguồn thu của ta sẽ giảm 9,2 triệu USD. Tuy nhiên, chi tiêu bình quân một lượt khách của nhóm này là hơn 1.470 USD, thì 10% số khách tăng thêm từ chính sách miễn visa, sẽ đem về 55 triệu USD. Các doanh nghiệp nộp thuế trung bình khoảng 20% cho nhà nước thì số tiền thu được cũng khoảng 11 triệu USD.

Danh sách bổ sung được Hiệp hội Du lịch Việt Nam đề xuất xem xét miễn visa là công dân các nước khác có nguồn khách lớn đến Việt Nam như Ấn Độ, các nước Đông Âu (Ba Lan, Czech, Slovakia, Bungaria, Hungaria, Rumania), các nước Liên Xô cũ (Kazakhstan, Uzbekistan, Azerbaijan, Armenia…)

“Hãy coi mỗi du khách như một nhà đầu tư, thay vì dò xét họ để cho vào hay không. Khi đó, miễn visa không chỉ tác động trực tiếp đến ngành du lịch mà hiệu ứng của nó sẽ có giá trị lan toả đến các ngành nghề khác, tạo công ăn việc làm, giảm tệ nạn xã hội”, ông Chính nói.

Nếu coi visa là một thái độ, thì chữ “dò xét” của ông Chính có lẽ đang phản ánh đúng cách mà Việt Nam nhìn dòng khách thế giới.

Bài viết liên quan